Muống biển chữa cảm, sốt rét

Hỏi: Xin cho hỏi rau muống biển có công dụng chữa bệnh gì?

(Trần Văn Hoài - Kiên Giang)

Trả lời: Rau muống biển tên khoa học Ipomoea biloba Forsk, (Ipomoea maritima R. Br., Convolvulus pescaproe L. Batatas maritima Bojer).

Thuộc họ Bìm bìm Convolvulaceae.

Mô tả cây

Muống biển là một loại cây cỏ mọc bò rất dài, không mọc leo, phân rất nhiều cành, thân tím như thân rau muống ăn, nhưng đặc và không rỗng như thân rau muống, có 2 đường rãnh nông hai bên thân dọc theo chiều dài từ mấu nọ đến mấu kia. Lá mọc cách gần như nhình vuông, phía cuống hình tim, đầu hơi tròn và xẻ thành hai như hình móng chân con trâu, cuống dài 5 - 7cm có khi tới 12cm, phiến lá dài 4 - 6cm, rộng 5 - 7cm, hai mặt đều nhẵn. Lá non có hai mảnh cụp vào nhau. Hoa lớn màu hồng tím giống như hoa rau muống, mọc thành xim ít hoa ở kẽ lá, cuống chung dài 2 - 4cm, 5 nhị màu trắng đính vào cuối tràng hoa, bao phấn chia 2 ngăn nứt theo chiều dọc, tua nhị phình to phía dưới, có lông, bầu thượng.

Khi ngắt lá có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang. Dây mọc bò lan trên mặt đất, bò lan đến đâu rễ mọc đến đấy.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân dùng muống biển làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay đau nhức, mỏi, thông tiêu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng.

Dùng ngoài, lá muống biển tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ. Hoặc phơi khô, tán nhỏ, rắc lên những nơi bị bỏng.

Tại Campuchia có nơi dùng lá giã nhỏ, trộn với lá dây đau xương, củ sả và vỏ dừa đốt lấy khói xông lên chỗ trĩ hậu môn.

Liều dùng hàng ngày 20 - 30g dưới hình thức thuốc sắc hay xông.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢI

Vị thuốc có tên chó

Cây chó đẻ:

Còn được gọi với nhiều tên khác như: chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, cam kiềm, rút đất, khao ham (Tày), tên khoa học Phyllanths urinaria L., tên đồng danh: P. amarus, P. cantoniensis Hornem., P. alatus Blume, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Sở dĩ có tên chó đẻ vì người ta quan sát thấy những con chó mẹ sau khi sinh thường đi tìm loại cây này ăn để chữa ứ huyết. Cây có tên là diệp hạ châu, vì có các hạt tròn nằm dưới lá. Ngoài ra còn có nhiều tên khác: trân châu thảo, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu...

Vị thuốc có tên chó

Chó đẻ là loại cây sống hàng năm hoặc sống dai, cao 20 - 30cm. Thân nhẵn, màu đỏ, thường phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, xếp hai dãy sít nhau có hình thuôn bầu dục hay trái xoan ngược, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới hơi mốc. Hoa mọc ở nách lá, hoa đực ở ngọn cành, hoa cái đơn độc ở gốc cành. Quả nang hơi đỏ, hình cầu, có gai nhỏ, chứa 6 hạt hình tam giác, màu nâu nhạt.

Mùa hoa quả tháng 4 - 8.

Ở Việt Nam, chó đẻ mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bãi cỏ, ruộng vườn, đất hoang. Người ta thường thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất vào mùa hè - thu, rửa sạch đất cát, cắt khúc ngắn, dùng tươi hoặc phơi trong chỗ râm mát để dùng dần.

Trong chó đẻ răng cưa có các thành phần flavonoid, alcaloid phyllanthin và các hợp chất hypophyllanthin, niranthin, phylteralin.

Theo Đông y, chó đẻ có vị đắng, tính mát, tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, điều kinh, thạch can nhiệt, làm sáng mắt, hạ sốt.

Thường dùng chữa viêm hầu họng, ung nhọt, đinh râu, lở ngứa, chàm má, tưa lưỡi, viêm da thần kinh, sản hậu ứ huyết.

Ngày nay, người ta ứng dụng điều trị viêm thận phù thũng, viêm niệu đạo, viêm ruột, lỵ, viêm kết mạc, viêm gan.

Ngày dùng 8 - 16g khô, sắc uống, hoặc dùng cây tươi 20 - 40g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên chỗ đau.

Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật sạch với nước muối, giã nát, đắp lên vết thương chảy máu, mụn nhọt hoặc các đầu khớp bị sưng đau.

Chú ý phân biệt với một cây khác, cũng mang tên chó đẻ răng cưa, còn có tên cam kiềm, tên khoa học Phyllantus niruri L., thuộc họ Thầu dầu. Phân bố ở một số tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Hải Dương...).

Về hình dạng thực vật, cây này cũng giống như cây thân xanh nói trên, song cây chỉ cao khoảng 5 -10cm; thân, cành có màu tía đỏ, quả có màu đỏ.

Người ta thường dùng toàn cây, sắc đặc, lấy nước ngậm chữa đau răng lợi, hôi miệng, thông tiểu, thông sữa, còn dùng trị viêm gan vàng da.

Cây đuôi chó:

Còn gọi là đuôi chồn tóc, đuôi chồn quả đen, Hầu vĩ tóc, tên khoa học Uraria crinita (L) Desv.ex D., thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Đuôi chó là loại cây nhỏ, cao khoảng 1,5m. Lá có 3-5 lá chét hình trái xoan dài. Hoa màu tím nhạt, xếp thành chùm ở ngọn, hình trụ, dạng bông. Quả hình đậu, đen bóng có 3 - 5 đốt.

Cây ra hoa vào khoảng tháng 7 - 9.

Cây đuôi chó mọc hoang khắp nơi, thường gặp trong các thảm cỏ cây bụi khô, rừng tre.

Người ta thu hái toàn cây để làm thuốc, tốt nhất vào mùa hè- thu, rửa thật sạch đất cát, dùng tươi hay phơi khô để dùng dần. Lá tươi cũng có thể ăn như một loại rau.

Theo Đông y, vị thuốc đuôi chó có vị ngọt dịu, tính mát, tác dụng sát trùng, cầm máu, tiêu viêm. Thường dùng chữa cảm lạnh, ho, ho ra máu, đi tiểu ra máu, đầy hơi, tiêu chảy, trẻ em biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Ngày dùng 30 - 50g khô sắc uống.

Trong cây đuôi chó có chứa hàm lượng lớn chất flavonoid, có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh, được dùng bào chế thành thuốc chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn.

Rễ của cây có tác dụng điều trị tiêu chảy.

Qua nghiên cứu, cây đuôi chó có thể giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi, đồng thời tăng cường sản sinh dịch khớp, tái tạo xương và sụn khớp, phục hồi khớp bị thoái hóa.

Ở Malaysia và Ấn Độ, rễ sắc nước uống dùng trị ỉa chảy. Cũng được sử dụng để trục giun và dùng cho trẻ em bị đầy hơi và phụ nữ sau khi sinh.

Ở Indonesia, người ta dùng toàn cây chữa lỵ, ỉa chảy, lá lách sưng to, đau gan, rò, mụn mủ, bướu.

Ở Ấn Độ, lá giã ra dùng ngoài đắp vào người khi bị sưng lách, sưng gan; hoa được dùng làm chế phẩm trị mụn xuất hiện sau bệnh đậu mùa.

Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật sạch, giã nát, đắp chữa mụn nhọt.

Lưu ý: phụ nữ có thai kiêng dùng.

Cỏ đuôi chó:

Còn gọi là cẩu vĩ thảo, khuyển vĩ thảo, quang minh thảo, tên khoa học Setaria viridis (L.) Beauv., thuộc họ Lúa (Poaceae).

Cỏ đuôi chó là cây thảo hàng năm. Thân cao khoảng 10 - 50cm. Lá phẳng, hình dải, có mũi nhọn dài, có lông rải rác ở mặt trên, với mép dày, chùy dạng bông, hình trụ, dày đặc hoa, màu lục hay đỏ. Bộ phận làm thuốc là thân và hạt, thu hái tốt nhất vào mùa hè - thu. Cỏ đuôi chó thường mọc ở các bãi cỏ, ruộng hoang khắp nơi trong nước.

Vị thuốc có tên chó

Theo Đông y, cỏ đuôi chó có vị đạm (nhạt), tính lương (mát), tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc tiêu thũng. Thường dùng chữa trúng nắng, can nhiệt gây đỏ mắt, thũng độc, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu nóng.

Ngày dùng 12 - 16g, dạng thuốc sắc uống. Dùng ngoài rửa thật sạch, sắc lấy nước rửa mắt đỏ đau. Người ta còn dùng thân cỏ đuôi chó làm thức ăn gia súc. Hạt cũng được dùng để nấu cháo, nấu chè.

Rong đuôi chó:

Rong đuôi chó còn gọi là đuôi chồn, tên khoa học Ceratophyllum demersumL., thuộc họ Rong đuôi chó (Ceratophyllaceae).

Cây thảo sống dai, không có rễ, mọc chìm lơ lửng trong nước; cành dài, nhỏ. Lá mọc đối, 2 cái ở mỗi mắt, phiến lá lưỡng phân 3 - 4 lần làm thành các đoạn nhỏ hình sợi hơi cứng, mép có răng. Hoa đơn độc ở nách lá, cùng gốc; lá đài nhiều, cánh hoa trắng; nhị nhiều (đến 30), xếp thành nhiều vòng; không có chỉ nhị. Quả bế hình trứng có mũi nhọn và 2 sừng dài đến 1cm.

Ra hoa vào mùa xuân - hè.

Rong đuôi chó là loài phân bố toàn thế giới. Ở Việt Nam, cây mọc phổ biến trong các ao hồ từ vùng thấp đến vùng cao 1.500m; cũng thường được thả trong các bể cá.

Người ta dùng toàn cây (Herba Ceratophylli Demersi) để làm thuốc.

Các đoạn lá rong có chứa chất myrophyllin.

Theo Đông y, rong đuôi chó có vị nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, cầm máu.

Ở Trung Quốc, cây được dùng trị nội thương xuất huyết, viêm tuyến mang tai, viêm khí quản mạn tính. Ngày dùng 4-8g.

Ở Ấn Độ, cây được dùng chữa thiểu năng mật và dùng trị bò cạp đốt.

Cây chân chó:

Còn gọi là cẩu cước thảo, cây hoa khế, cáp mộc hình sao, tên khoa học Crai biodendron stellatum (Pierre) W.W Sm., thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae).

Cây gỗ nhỏ thường xanh, cao 4 - 6m, nhánh non không lông. Lá có phiến bầu dục, không lông, mặt dưới có tuyến nhỏ và gân phụ làm thành mạng mịn rõ, có lông mịn, hoa màu trắng, hình chuông. Quả nang có 5 cạnh tròn, 5 ô. Hạt có cánh.

Cây chân chó thường gặp ở vùng núi cao tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum. Người ta thu hái rễ cây và vỏ cây để làm thuốc.

Rễ cây chân chó được dùng chữa phong thấp, viêm đau khớp xương. Ngày dùng 12 - 16g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

Vỏ cây chân chó sắc đặc dùng để rửa các vết thương.

Cây cẩu tích:

Còn gọi là cẩu tồn mao, kim mao cẩu tích, cây cu ly, cây lông khỉ, tên khoa học Cibotium barometj (L).J.Sm., thuộc họ Cẩu tích (Dicksoniaceae).

Cây cẩu tích là một loại dương xỉ thụ trạng, thân rễ to, ngắn, hơi nạc, phủ lông tơ dày màu vàng nâu. Lá kép 3 lần lông chim, dài tới 2m, mặt dưới có nhiều túi bào tử màu nâu nhạt. Mùa có bào tử tháng 10-1.

Cẩu tích mọc hoang khắp nơi ở miền núi, nơi đất ẩm, gần bờ suối. Người ta thu hái thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa hè-thu. Đem về cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng (để riêng dùng làm thuốc cầm máu). Sau đó rửa sạch, thái lát hay cắt từng đoạn dài 4 - 10cm, phơi hoặc sấy khô. Có khi đồ chín mềm rồi mới đem phơi khô, khi dùng thường tẩm dược liệu với rượu, để ủ một đêm rồi đem sao vàng.

Theo Đông y, cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ấm, vào hai tinh can, thận, tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Thường dùng chữa phong hàn thấp gây đau lưng, nhức mỏi tay chân, đau thần kinh hông, khí hư, người cao tuổi đi tiểu són, tiểu không cầm được, tiểu nhiều lần, tiểu dắt.

Ngày dùng 10 - 20g khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Thường kết hợp với ngưu tất, đồ trọng, ý dĩ, mộc qua, cốt toái bổ, đương quy, tang chi... để chữa phong thấp, can thận yếu. Lông vàng dùng đắp lên các vết thương chảy máu để cầm máu.

Những người thận hư mà có nhiệt (nội nhiệt), tiểu tiện bí, nước tiểu màu vàng đỏ, thì không nên dùng cẩu tích.

Cây gan chó:

Còn gọi là rau gan chó (cẩu can thái), cây gan heo, lục dũng thái, thanh xà thái, cây lá diễn, tên khoa học Dicliptera chinensis (L.) Nees, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

Gan chó là cây thảo sống hàng năm hay vài ba năm, cao 30 - 80cm, thân và cành non có 4 cạnh, có lông tơ, các mấu phình to tựa như đầu gối. Lá mọc đối, màu xanh lục, phiến lá hình trứng thuôn, đầu và gốc đều nhọn, có lông thưa. Hoa màu trắng hồng, mọc thành xim ở nách lá và ở đầu cành. Các lá bắc hình trái xoan. Quả nang ngắn, có lông tơ ở phía đầu. Hạt dẹt. Mùa ra hoa từ mùa đông đến mùa hè.

Cây gan chó mọc hoang ở chỗ ẩm ướt và cũng được trồng để lấy lá nấu canh và lấy toàn cây làm thuốc. Người ta thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô. Loại cây này gặp nhiều ở các nước Đông Nam Á.

Theo Đông y, cây gan chó (lá diễn) có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, hương huyết, sinh tân dịch.

Thường dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, viêm phế quản, viêm gan cấp, viêm kết mạc, viêm ruột, lỵ nhiệt, phong thấp, viêm khớp, đi tiểu ít, đi tiểu ra đường trấp. Ngày dùng 30 - 60g cây khô hoặc 60 - 120g cây tươi, dạng thuốc sắc uống.

Dùng ngoài, lấy lá tươi rửa thật sạch, giã nát, xoa trị lở sưng, rôm sảy, mụn nhọt, bỏng rạ.

Chữa cảm mạo phong nhiệt, thường dùng bài thuốc: cây gan chó 40 - 50g, rau má 40g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, sắc với 750ml nước, còn lại 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Người ta còn dùng lá cây gan chó để nấu canh với thịt heo nạc, ăn rất thơm ngon, lại có tác dụng nhuận gan, giải nhiệt độc có hiệu quả.

Lương y Đinh Công Bảy

Mách bạn thuốc hay: chữa sốt do nắng nóng bằng quả me

Quả me là quả của cây me, quả màu nâu, bên trong chứa cùi thịt và nhiều hạt có vỏ cứng. Cùi thịt quả non rất chua trong khi cùi thịt của quả chín có vị ngọt hơn. Theo nghiên cứu hiện đại, trong quả me có nhiều vitamin C, B, khoảng 14% acid tartaric và một số nhỏ malic acid... giúp kích thích vị giác, cải thiện tình trạng kém ăn, mệt mỏi do nắng nóng hay buồn nôn, giảm khẩu vị do mang thai. Trái me góp phần bù nước, điện giải, cung cấp vitamin, khoáng chất, vị chua mặn giúp giải nhiệt. Me là loại quả dân dã được bán nhiều ở các chợ nhất là vào những tháng đầu hè. Quả me không chỉ là gia vị chế biến các món ăn mát bổ trong mùa hè như canh cá, nước rau muống luộc dầm me, làm ô mai... mà còn là vị thuốc. Thuốc từ quả me rất dễ làm mà chữa bệnh lại hiệu quả. Trong Đông y, quả me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường tiêu hóa. Chữa các bệnh: phụ nữ mang thai nôn nghén, chán ăn; chữa ho, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa; trị chứng hay chảy máu chân răng; chữa sốt do nắng nóng...

Phụ nữ mang thai nôn nghén, chán ăn: Quả me xanh 30g, đường trắng 10g. Me cạo vỏ cho vào nồi nấu với 300ml nước, đun còn 200ml, chắt nước bỏ bã. Cho đường quấy đều, chia uống 3 lần trong ngày. Uống trong vài ba ngày liên tiếp. Hoặc ngày ngậm 5 - 7 lần ô mai me.

Quả me.

Chữa ho, làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa: Ngậm ô mai me vài lần trong ngày. Cách làm ô mai me: Quả me xanh đem cạo vỏ ngoài, rửa sạch, để ráo nước, giã nát với gừng tươi cho thật nhuyễn, loại bỏ xơ. Thêm đường đủ ngọt. Đun nhỏ lửa, đảo đều cho bay bớt nước. Trộn với bột cam thảo vừa đủ khô, rồi đóng khuôn làm thành dạng ô mai. Bài thuốc này vừa đơn giản mà lại hiệu quả.

Trị chứng hay chảy máu chân răng: 3 - 5g thịt từ quả me chín pha với một chén nước ấm uống trong ngày, uống vào buổi sáng sau bữa ăn. Dùng liên tục trong 7 ngày. Hoặc 20g quả xanh, nạo bỏ vỏ, đun với hai bát nước còn một bát, chia uống hai lần trong ngày, khi uống có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong. Uống từ 5 - 7 ngày.

Giải nhiệt ngày hè: 20g thịt quả me chín pha với 200ml nước, khi pha cho thêm ít đường, khuấy đều, uống hàng ngày. Cách làm này rất đơn giản mà hiệu quả trong những ngày hè nóng bức.

Chữa sốt do nắng nóng: 15g quả me xanh đã nạo vỏ, đem đun khoảng 1 bát nước, khi sôi dầm nát quả me, sau đó bỏ vỏ và hạt, chắt lấy nước, khi uống pha thêm mật ong. Bài thuốc này, giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng, người bệnh cảm thấy thèm ăn.

Giúp giảm đau nhức xương khớp: 100g quả me xanh, đem đun với nước, khi chín vớt ra dầm nát lấy phần thịt (bỏ vỏ và hạt), để nguội trộn với muối đã giã nhỏ thoa đều lên chỗ xương khớp đau nhức, nên thoa vào trước các giấc ngủ trưa và tối. Mỗi liệu trình trong 7 ngày.

Bác sĩ Hoàng Minh

Bài thuốc trị mụn nhọt mùa nóng

Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn trong khi miệng nang lông lại bị bít kín do tăng sừng hóa, chất bã nhờn bị ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn. Khi nhân mụn thành hình, thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ.

Theo y học cổ truyền, mụn nhọt là do hỏa độc gây ra, một số trường hợp hay tái phát do tình trạng nhiễm khuẩn mà y học cổ truyền gọi là nhiệt huyết.

Bài thuốc trị mụn nhọt mùa nóng 1Mùa nóng, trẻ em dễ bị mụn nhọt.

Khi mụn nhọt phát sinh có các triệu chứng: tại chỗ có sưng, nóng, đỏ, đau, toàn thân có kèm theo sốt, mạch nhanh, rêu lưỡi trắng dày. Nếu không chữa hoặc không chữa khỏi sẽ thành ổ mủ, dần dần vỡ mủ (nếu mụn nhọt dưới da dày thì khó vỡ mủ) rồi liền da thành sẹo.

Ứng với mỗi giai đoạn, có bài thuốc riêng để điều trị.

Giai đoạn viêm nhiễm (khởi phát): mụn nhỏ hình thành, ngứa, nóng, muốn gãi, giai đoạn này dùng phương pháp thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm.

Bài thuốc: kinh giới 8g, kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 16g, thổ phục linh 12g, đỗ đen sao 40g, cam thảo dây 8g, vòi voi 12g, cỏ xước 12g, cho 750ml nước vào sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Giai đoạn hóa mủ: mụn sưng tấy thành nhọt bọc có mủ, nóng, đỏ, sốt. Dùng phương pháp thác độc bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ).

Bài thuốc: kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, gai bồ kết (tạo giác) 12g, bồ công anh 16g, trần bì 6g, bối mẫu 8g, cam thảo 4g. Cho 750ml nước sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Giai đoạn vỡ mủ: dùng phương pháp khử hư sinh cơ (làm mất các tổ chức hoại tử, làm liền da).

Bài thuốc: uất kim 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, đan bì 8g, đảng sâm 16g, kim ngân hoa 16g, cam thảo 6g. Cho 750ml nước vào sắc kỹ còn 250ml chia uống 3 lần trong ngày.

Giai đoạn vỡ mủ phải thường xuyên rửa sạch, lau khô bằng gạc vô khuẩn để tránh tái nhiễm, nhiễm khuẩn.

Lương y Vũ Quốc Trung

MERS lây lan mạnh, Tổng thống Park Geun Hye trấn an người dânMERS lây lan mạnh, Tổng thống Park Geun Hye trấn an người dânNhững thực phẩm cực tốt trẻ ăn nhiều sẽ thông minhNhững thực phẩm cực tốt trẻ ăn nhiều sẽ thông minhBối rối với 1.000 hồ sơ đạt điểm giỏi 100/100Bối rối với 1.000 hồ sơ đạt điểm giỏi 100/100

Những món ăn có ích cho người bị viêm xoang mũi

Viêm xoang mũi thường được chia làm 2 loại: Viêm xoang mũi cấp tính và viêm xoang mũi mạn tính. Đông y có những món ăn giúp người bị viêm xoang mũi cải thịên triệu chứng nâng cao thể trạng.

Món ăn cho người bị viêm xoang mũi cấp tính

Người bệnh có đặc điểm là thời gian mắc bệnh ngắn, nước mũi chảy nhiều, đau đầu, phát sốt, khứu giác bị suy giảm. Thường thuộc nhiệt chứng, thực chứng.

Nguyên nhân thường do cảm nhiễm phong nhiệt, cảm nhiễm thấp nhiệt gây nên. Ngoài ra, do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, cũng là yếu tố gây ra viêm xoang mũi, số người mắc bệnh viêm xoang mũi ngày càng tăng.

Viêm xoang mũi cấp tính được chia thành 3 thể bệnh phong nhiệt, nhiệt thịnh, thấp nhiệt.

Thể phong nhiệt:

Các triệu chứng thường gặp: mũi nghẹt, chảy nhiều nước mũi có màu trắng nhầy hoặc vàng, đau đầu, sốt, sợ lạnh, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng.

Nên dùng các thực phẩm có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi, như: rau húng dũi, bạc hà, sắn dây, hoa cúc, lá dâu tằm.

Những món ăn có ích cho người bị viêm xoang mũi 1

Trà hoa cúc thanh nhiệt, thông mũi, hạ huyết áp...

Trà hoa cúc:

Nguyên liệu: hoa cúc khô 10 - 12g.

Cách làm: hoa cúc bỏ cuống, rửa sạch. Bỏ hoa cúc vào bình ngâm với 100ml nước sôi, chừng 10 phút là được. Uống thay nước trà.

Thức uống này có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi, sáng mắt, hạ huyết áp.

Trà hoa cúc, lá dâu:

Nguyên liệu: hoa cúc 8 - 10g, lá dâu tằm 8g.

Cách làm: hoa cúc, lá dâu bỏ cuống, rửa sạch. Bỏ hoa cúc, lá dâu vào bình, ngâm với 150ml nước sôi, chừng 10 phút là được. Uống thay nước trà.

Thức uống này có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi, sáng mắt, hạ huyết áp.

Trà sắn dây, kim ngân hoa:

Nguyên liệu: sắn dây khô 12 - 16g, kim ngân hoa khô 10g, đường phèn 5g.

Cách làm: kim ngân hoa rửa sạch, sắn dây rửa sạch, cắt nhỏ. Cho tất cả vào nồi với 200ml nước, nấu sôi bằng lửa nhỏ chừng 10 phút là được. Uống mỗi ngày thay trà.

Thức uống này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông mũi.

Thể nhiệt thịnh:

Các triệu chứng thường gặp: mũi nghẹt, nước mũi đặc, có màu vàng, mùi hôi, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, đau đầu nhiều, sốt, miệng khô đắng, người nóng bứt rứt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt (ở kinh Đởm), lợi thủy, thông mũi, như : atisô, mướp đắng, bí đao, cà chua, cải ngọt, mã đề, rau má, rau đắng, rau diếp quăn, cải xoong, đậu xanh, hoa cúc, bông súng, rau nhút, sương sâm, sương sáo, rau câu.

Nước cà chua - rau cần tây:

Nguyên liệu: cà chua 1 trái lớn, rau cần tây 100g, nước chanh vắt 1 muỗng, nước sôi để nguội 100ml.

Cách làm: cà chua rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Rau cần tây rửa sạch, cắt từng đoạn ngắn. Cho cà chua, rau cần tây vào máy xay sinh tố cùng với nước để xay nhuyễn. Sau khi xay, thêm nước chanh vắt để uống.

Công dụng: bổ dưỡng, an thần, dịu thần kinh, có ích cho người bị viêm xoang mũi, thần kinh bị căng thẳng, ho lâu ngày, ăn uống không tiêu, suy nhược cơ thể, cao huyết áp, người nóng bứt rứt, đi cầu táo, tiểu vàng, đau nhức các khớp do phong thấp (những trường hợp không bị đái tháo đường có thể thêm ít đường hoặc mật ong cho dễ uống).

Thể thấp nhiệt:

Các triệu chứng thường gặp: mũi chảy nhiều nước mũi vàng đục, nghẹt mũi kéo dài, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, nặng đầu, ngực tức, bụng đầy, chán ăn, nước tiểu vàng, cơ thể mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt, trừ thấp, lợi thủy, thông mũi như: rau diếp cá, đậu ván, sắn dây, râu bắp, bắp, rễ tranh, mã đề, bông súng, củ sen, cải bẹ xanh, cải bông, rau mồng tơi, rau bù ngót, rau sam, rau cần tây, trái su su, trái thơm.

Nước ép rau hỗn hợp:

Nguyên liệu: rau cần tây 50g, rau diếp quắn 100g, bắp cải 100g, ba thứ rửa sạch, thái nhỏ. Ớt tây một trái xắt nhỏ. Chuối chín một trái (chuối xiêm hay chuối già đều được) xắt nhỏ.

Cách làm: cho tất cả vào máy xay, ép lấy nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày, vào lúc đói bụng.

Món ăn này có tác dụng làm êm dịu thần kinh, rất tốt cho người bị viêm xoang mũi, ho đàm, di tinh, mất ngủ do tình trạng thần kinh dễ bị kích động.

Cháo đậu đỏ, bắp:

Nguyên liệu: gạo lứt 80g, đậu đỏ 50g, bắp 50g.

Cách làm: nấu tất cả thành cháo nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần vào lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng lợi thủy trừ thấp, hạ huyết áp. Thích hợp với người bị viêm xoang mũi, bệnh cao huyết áp.

Món ăn cho người bị viêm xoang mũi mạn tính

Viêm xoang mũi cấp tính thường do viêm xoang cấp tính không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để, lâu ngày chuyển thành mạn tính. Thường thuộc hàn chứng, hư chứng.

Viêm xoang mũi mạn tính được chia thành 2 thể bệnh phế khí suy hư; tỳ khí suy hư.

- Thể phế khí suy hư:

Các triệu chứng thường gặp: nghẹt mũi, chảy nhiều nước mũi trắng nhầy, niêm mạc mũi dày, gặp lạnh càng nặng hơn, đau đầu, chóng mặt, thở ngắn, tay chân lạnh, người mệt mỏi, không có sức, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng làm ấm phổi, bổ phế, trừ phong, trừ hàn, thông mũi như: gừng tươi, củ hành, hành tây, củ sả, rau hẹ, rau kinh giới, rau húng quế, tía tô, bạc hà, hoắc hương, rau diếp cá.

Canh tôm, củ cải trắng:

Nguyên liệu: củ cải trắng 150g, đậu hủ 100g, tôm đất 100g, giá đậu xanh 50g, gừng 3g, hành 5g, tỏi 5g, dầu ăn 30g, muối một ít.

Cách làm: cải trắng rửa sạch, cắt miếng, giá đậu xanh rửa sạch, bỏ rễ, đậu phụ rửa sạch, cắt miếng vuông, tôm rửa sạch, gừng cắt lát, hành cắt khúc, tỏi bỏ vỏ cắt lát.

Để nồi nóng đổ dầu vào, khử gừng, hành cho thơm, đổ nước vào nấu sôi với của cải trắng bằng lửa lớn. Sau đó cho các thứ còn lại vào nấu bằng lửa nhỏ cho chín. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn cả cái lẫn nước.

Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ phế, ích khí, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược cơ thể do phế khí suy hư.

Trà củ sen, nho, mía, củ năng:

Nguyên liệu: củ sen 200g, củ năng 200g, lê 200g, mía 1 khúc 1kg, nho 200g, mật ong 100g.

Cách làm: củ sen, lê, củ năng, nho, rửa sạch, cho vào máy ép vắt lấy nước; mía cắt khúc, ép lấy nước, hoà 2 thứ nước lại, cho thêm mật ong vào.

Nấu sôi với lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ, nấu đến khi nước hơi sệt lại. Cất vào lọ thủy tinh. Khi uống pha thêm chút nước nóng, ngày uống 2 lần trong lúc bụng đói, mỗi lần uống khoảng 50ml.

Công dụng: món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ phế, ích khí tiêu đàm, thông mũi, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ.

Thể tỳ khí suy hư:

Các triệu chứng thường gặp: nghẹt mũi nặng, chảy nhiều nước mũi trắng dính hoặc vàng đặc, niêm mạc mũi dày, chóng mặt, thở ngắn, ăn uống kém, bụng đầy, tiêu lỏng, tay chân nặng nề, người mệt mỏi, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng kiện tỳ, ích khí, lợi thủy, trừ thấp, thông mũi như: ý dĩ, củ nghệ vàng, khoai mài, củ từ, hạt sen, củ sen, đậu ván, đậu đỏ, tàu hủ ky, đậu hủ, rau diếp cá, rau sam, bắp, gạo lứt, sắn dây, khoai lang bí, khoai mỡ, khoai tía, khoai sọ, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, củ dền.

Trà rau cần, táo đỏ:

Nguyên liệu: trà ngon 3g, rau cần tây 150g, táo đỏ 2 trái.

Cách làm:rau cần tây rửa sạch cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch bỏ hột. Cho tất cả vào nồi nấu với 1lít nước, sắc còn 750ml, uống thay nước trà trong ngày.

Trà này làm êm dịu thần kinh, an thần. Thức uống này thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược thần kinh, ăn uống kém, mất ngủ, tăng huyết áp.

Cháo gạo lứt, cà dái dê tím:

Nguyên liệu: gạo lứt 80g, cà dái dê tím 50g, khoai mài (hoài sơn) 50g.

Cách làm: cà rửa sạch cắt miếng; khoai mài ngâm mềm, cắt miếng; gạo vo sạch. Cho các thứ trên vào nồi nấu thành cháo. Trước tiên dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 30 phút. Ăn mỗi ngày 1 lần.

Món cháo này có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, có ích cho người bị viêm xoang mũi mạn tính, người bị cao huyết áp.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Ăn, uống gì để chống nóng?

Thời tiết nóng bức, quá trình trao đổi chất trong cơ thể con người diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong. Các lỗ chân lông giãn rộng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt nhưng cũng vì thế mà tà khí dễ xâm nhập vào trong. Hệ thống mao mạch ngoại vi cũng giãn ra, khí huyết lưu thông nhanh và mạnh hơn. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn. Bởi vậy, cổ nhân khuyên rằng: mùa hạ nên ăn những thức ăn thanh đạm, hạn chế đồ béo bổ, chiên xào, sống lạnh để giảm bớt gánh nặng cho tỳ vị.

Canh hến thanh nhiệt mùa hè.

Nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển mạnh làm cho thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất, trong khi đó vì uống nhiều nước dịch dạ dày bị pha loãng nên khả năng sát trùng giảm thấp càng làm cho nguy cơ ngộ độc thức ăn tăng cao. Bởi vậy, để dự phòng “bệnh từ miệng” cần chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống, không dùng thực phẩm ôi thiu, không uống nước lã, nước bẩn, rau quả tươi phải được rửa thật sạch... Vậy, nên ăn gì để chống nóng và phòng ngừa bệnh tật?

Thứ nhất, nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu trừ thấp: về thực vật như dưa hấu, dưa chuột, dưa gang, dưa bở, dưa lê, cam, quýt, chuối tiêu, trám, mướp đắng, mướp, bầu, bí đao, củ cải, súp lơ, rau đay, mùng tơi, rau dền, củ đậu, mã thầy, ngó sen, cà chua, đậu xanh, đậu đen, bạch biển đậu, xích tiểu đậu, cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo biển đậu, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ hoặc lá vối, trà actiso, trà khổ qua...; về động vật như thịt vịt, cua, ốc, hến, trai, sò, ngao, hàu... Nên tránh hoặc hạn chế dùng các thực phẩm có tính nhiệt như thịt dê, thịt chó, thịt hoẵng, thịt chim sẻ, long nhãn, vải, hẹ, hành tây, hạt tiêu, nhục quế, gừng, đại hồi, lạc rang, rượu trắng... Những ngày quá nóng bức có thể dùng một chút nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng không được dùng nhiều để tránh làm thương tổn tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất bằng đường ăn uống bằng cách trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân chỉ khát như thạch đen, chè đậu đen, trà mạch môn, nước ép quả lê, nước ép ngó sen, nước ép mã thầy, nước mơ, nước mận, nước dâu, nước mía, trà bát bảo, trà sắn dây...

Ngoài việc thanh nhiệt giải thử và dưỡng âm, ăn uống trong mùa hạ nóng bức còn phải hết sức chú ý tránh làm thương tổn tỳ vị. Vậy nên, các thực phẩm có công dụng phương hương tỉnh tỳ, kiện tỳ hóa thấp, giải thử, trực tiếp hoặc gián tiếp giữ gìn và nâng cao năng lực hoạt động của tỳ vị cũng nên được trọng dụng. Ví như các loại cháo chế từ đậu xanh, đậu cô-ve, bạch biển đậu, ý dĩ, hạt sen, củ mài...; các loại trà hoắc hương, trà nụ vối, trà hương nhu, trà lá sen, trà actiso, trà nhân trần... Nên chú ý dùng thêm các đồ ăn thức uống có vị chua ngọt, cay thơm nhằm mục đích khai vị, kích thích cảm giác thèm ăn như các loại canh chua chế từ quả sấu, me, khế, quả dọc, tai chua, quả chay, chua me đất hoa vàng... và các loại nước cam, nước chanh, nước mơ, nước sấu... Tuy nhiên, cần chú ý không nên dùng quá nhiều đường tinh luyện khi pha chế các loại nước giải khát.

Cuối cùng, trong ăn uống mùa hạ, Đông y còn có một quan điểm hết sức độc đáo, đó là “xuân hạ dưỡng dương”. Mùa hạ nóng nực tuy phải dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử nhưng vẫn cần lấy ôn ấm làm chính để trợ giúp khí dương. Bởi vì, các nhà dưỡng sinh Đông y cho rằng mùa hạ tuy dương khí vượng thịnh bên ngoài nhưng khí âm lại tiềm ẩn bên trong cơ thể, vậy nên “trời tuy nóng chớ tham mát, dưa tuy ngon chớ ăn nhiều”. Nếu không biết giữ gìn dương khí trong mùa hạ thì mùa đông sẽ mắc nhiều bệnh tật, phải biết thuận ứng thiên thời để bồi bổ dương khí, trừ khử âm hàn có như vậy mới gọi là phòng bệnh triệt để. Bởi vậy, trong mùa hạ việc chọn dùng một số đồ ăn thức uống có tính ôn bổ cũng là rất cần thiết, đặc biệt đối với những người có bệnh mạn tính và thể chất vốn suy nhược do dương khí kém. Ví như, các loại nấm (nấm rơm, nấm mỡ, nấm hương, nấm kim châm...), hoài sơn, hạt sen, tổ yến, phấn hoa, sữa ong chúa, trà linh chi, đông trùng hạ thảo hầm thịt vịt, ba ba hầm chuối đậu...

ThS. Hoàng Khánh Toàn

8 món ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt ngày nắng nóng8 món ăn bổ dưỡng, thanh nhiệt ngày nắng nóngGiải pháp ăn uống khi bị mề đayGiải pháp ăn uống khi bị mề đayBài thuốc chữa bí tiểuBài thuốc chữa bí tiểu

 

 

 

Món ăn, bài thuốc tốt cho mắt

Muốn mắt sáng, hoạt động tốt, không nhức mỏi theo y học cổ truyền cần phải dưỡng can, dưỡng huyết đầy đủ, nhất là khi làm việc và học tập bằng trí óc và đôi mắt liên tục căng thẳng. Xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc có tác dụng dưỡng mắt, sáng mắt để bạn đọc tham khảo.

Bài 1: Cà rốt 60g, hoa cúc 20g, gạo tẻ 30g. Cách làm: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng. Cho hoa cúc vào ấm, thêm 500ml nước, đun sôi 20 phút, rồi cho cà rốt và gạo tẻ vào nấu cùng thành cháo. Nêm muối, dầu ăn và hành, ăn khi đói bụng. Công dụng: Thanh nhiệt, sáng mắt, dùng thích hợp cho người cho người thị lực suy giảm, nhức đầu.

Câu kỷ tử.

Bài 2: Câu kỷ tử 30g, dâu tằm (tang thầm) 30g, gạo nếp 60g, đường phèn. Cách làm: Rửa sạch các vị rồi cho vào nồi nấu thành cháo. Khi ăn cho thêm đường phèn. Công dụng: Bổ can thận, dưỡng huyết, ích trí, làm sáng mắt, thích hợp với những người bị giảm thị lực, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, tóc bạc sớm… do huyết hư, can thận suy yếu.

Bài 3: Gan lợn 100g, rau chân vịt 150g, gừng, hành, muối, dầu ăn vừa đủ. Cách làm: Gan rửa sạch thái mỏng, rau rửa sạch cắt khúc, cho nước vào nồi, cho gừng thái nhỏ, dầu ăn, muối, đun to lửa cho sôi rồi cho gan rau vào, gan chín cho gia vị là được. Ăn nóng với cơm, ngày 1 lần, tuần 3 lần. Công dụng: Bổ can, dưỡng huyết, hỗ trợ điều trị cận thị, hoa mắt, váng đầu.

Rau chân vịt.

Bài 4: Gan gà 60g, câu kỷ tử 30g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát mỏng. Cách chế biến: Gan gà rửa sạch, thái mỏng, táo đỏ bỏ hột, cho vào bát sành, đem chưng cách thủy khoảng hai giờ, nêm gia vị, ăn lúc đói bụng. Dùng 3 lần 1 tuần. Có thể dùng thường xuyên. Những người bị bệnh gan mạn tính, tăng huyết áp, bệnh đường tiêu hoá không nên dùng.

Bài 5: Gan dê 100g, gạo tẻ, hành, muối vừa đủ. Cách làm: Gan dê rửa sạch thái miếng, nước vừa đủ nấu chín, sau đó cho gạo đã vo sạch vào đun tiếp thành cháo, cho gia vị là được. Ngày ăn 1 bát, ăn liền 7 ngày. Công dụng: Dưỡng can sáng mắt hỗ trợ điều trị cận thị, quáng gà, hoa mắt.

Bài 6: Hoa cúc trắng 15g, quyết minh tử 15g, gạo tẻ 100g, đường kính trắng 15g. Cách làm: Rang thảo quyết minh cho có mùi thơm, để nguội, nấu với hoa cúc trắng, lấy nước bỏ bã, lọc trong. Cho gạo tẻ vào nước thuốc nấu thành cháo. Khi ăn cho thêm đường trắng. Công dụng: Mát gan, sáng mắt, nhuận tràng, thích hợp với người bệnh đau mắt đỏ, nhìn mờ, tăng huyết áp. Người bị tiêu chảy không nên dùng.

Bác sĩ Thúy Hường

Các bài thuốc thuốc từ cây hành ta

Hành ta là gia vị của nhiều món ăn, là vị thuốc giàu dược tính. Theo Y học cổ truyền, hành ta vị thuốc còn gọi thông bạc, vị cay, khí ấm, tính bình, tác dụng giải biểu, hòa trung, sát trùng, thông kinh, lợi tiểu... trị chứng thương hàn, phong nhiệt, đau đầu, phong tê thấp... Hành hoa thuận khí an thai, chi huyết hòa trung, ích 5 tạng, giải được thuốc nóng, cá thịt độc...

Tài liệu còn cho biết hành có chứa protein, chất béo, chất xơ, canxi, phospho và kali, caroten, alixin và đặc biệt hành có công năng kháng vi khuẩn, virut, nấm trong cơ thể. Hành giàu vitamin và khoáng chất, ít năng lượng. Người bị cảm cúm, tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, viêm nhiễm, béo phì thừa cân, ngoại cảm phong hàn, nội thương thấp trệ đều có thể dùng hành...

Chữa phụ nữ có thai bị cảm (cảm lạnh, cảm cúm, ho thở, nhiều đàm, tâm phiền bứt rứt): hành hoa cả cây 30g, hoặc thêm vỏ quít (trần bì) 12g. Sắc nước uống ấm.

Chữa phụ nữ động thai (đau bụng dưới, mỏi thắt lưng, có khi ra dịch màu hồng nhạt): hành hoa cả rễ một nắm 40g, nấu nước uống.

Cháo hành gừng tía tô trị cảm cúm.

Chữa chóng mặt: biểu hiện khi nằm cũng chóng mặt do đàm thấp huyết ứ. Dùng hành xào giá đậu thịt heo hoặc các món ăn khác cho nhiều hành mà ăn.

Chữa đái tháo đường (người đái tháo đường mà tay chân tê lạnh): ăn các món xào, nấu canh, nấu súp, hủ tiếu, phở, cháo nên cho hành nhiều hành.

Chữa đau tức ngực sườn do tâm thống huyết ứ (hay đau tức ngực, khó thở hồi hộp...): hành hoa, hoặc hành củ xào, luộc, ăn tuần vài lần.

Chữa tắc tia sữa (tắc tia sữa, vú sưng đau): hành hoa một nắm 40g. Sắc nước uống.

Chữa bí tiểu (tiểu khó phải rặn mải mới ra vài giọt, bụng tức): hành cả cây giã xào nóng đắp chườm bụng dưới cho ấm vào trong, kết hợp sắc nước cho uống rất hay.

Chữa chứng âm hư ngoại cảm (người gầy gò, sợ gió không ra mồ hôi, cảm ho): hành 20g, đậu xị 12g, cát cánh 10g, sinh khương 6g, thục địa 16g, mạch môn 10g. Sắc uống ấm.

Chữa cảm cúm thông thường (đau đầu nghẹt mũi, không ra mồ hôi): hành hoa, tía tô, gừng tươi nấu cháo ăn đắp chăn cho ra mồ hôi.

Chữa mụn nhọt: dùng hành củ nướng chín giã nát đắp vào mụn nhọt khi còn nóng.

Chữa đau bụng do giun (đau cơn, buồn nôn có khi nôn ra giun): hành tươi 40g giã vắt nước cốt trộn dầu mè cho uống.

Kiêng kỵ: Hành vị cay khí ấm giải biểu ra mồ hôi, vì vậy người nội nhiệt, ra nhiều mồ hôi, đau mắt đỏ, đau đỉnh đầu miệng khô khát, mặt đỏ, tiểu vàng, đại tiện khó, hạn chế dùng hành hoặc dùng hành nên kết hợp nhiều món ăn vị thuốc khác.

Lương y Minh Phúc

Mướp đắng làm giảm nồng độ men gan

Sở dĩ mướp đắng có tác dụng này là vì: mướp đắng có rất nhiều nước, nước có công dụng chuyển chất độc tới thận để thải ra ngoài. Mướp đắng lại có tính hàn, bớt sinh nhiệt, giảm nhiễm độc do nóng trong. Mướp đắng còn có tác dụng tăng cường chức năng gan, nên tăng khả năng thanh thải cho cơ thể. Mướp đắng còn có kháng sinh tự nhiên, nên có khả năng tiêu diệt các mầm bệnh gây độc.

Mướp đắng giàu chất xơ có tác dụng kích thích vận động đường mật nên tốt cho tiết mật. Mướp đắng còn có tác dụng làm giảm nồng độ các men gan viêm như: AST, ALT (sự gia tăng các men này là một dấu hiệu cho tế bào gan đang bị viêm nặng). Mướp đắng còn được thực nghiệm chứng minh làm giảm nồng độ bilirubin trong máu (tăng bilirubin là một biểu hiện chứng tỏ gan chuyển hóa kém, đường mật đang bị tắc).

Vì thế mà mướp đắng là một loại quả rất tốt để điều trị các bệnh gan mật có tác dụng lợi gan, lợi mật nên mẹ bạn hoàn toàn có thể sử dụng.

Cỏ mật cá giải độc

Cỏ mật cá còn có tên khác là mật đất, thằm ngăm đất, sản đắng, người Thái gọi là co kham đin... thuộc họ hoa mõm sói. Là loài cây thân cỏ, sống hằng năm cao khoảng 20cm, phân rất nhiều nhán. Lá mọc đối, có khía răng, cuống dài, có rìa cánh. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả nang dẹt, nằm trong đài còn lại, trông giống con hến. Hạt hình trụ, màu vàng, hơi thắt ở giữa. Toàn cây có vị rất đắng, do đó có tên là “mật đất” hay “mật cá”. Mùa hoa quả vào tháng 9 - 11. Cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm mát, ở khắp các miền rừng núi nước ta.

Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất là mùa hạ; phơi hay sấy khô, bảo quản nơi khô mát để sử dụng dần.

Cỏ mật cá có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Một số bài thuốc thường dùng

Bài 1: Chữa kém ăn, mất ngủ: Cỏ mật cá, bá tử nhân (trắc bách diệp), hạt táo chua (lấy nhân sao già), hoài sơn, hạt sen, mạch môn mỗi vị 10g. Tất cả cho vào ấm đổ 800ml nước, sắc còn 250ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.

Bài 2: Chữa đau bụng do giun: Cỏ mật cá 30g, bỏ gốc, rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml nước, sôi, đun nhỏ lửa còn 150ml nước đặc, uống lúc đói bụng, dùng liền 3 ngày.

Bài 3: Ăn uống khó tiêu, tăng cường tiêu hóa: Cỏ mật cá sao cho thơm 100g, rượu trắng 1 lít, đường hay mật ong 300g. Cho cỏ mật cá vào bình, đổ rượu, mật ong vào ngâm, mỗi ngày lắc 1 lần, ngâm trong 15 ngày trở lên. Mỗi ngày uống 1 chén con (khoảng 20ml) trước bữa ăn cơm.

Bài 4: Chữa tiểu tiện sẻn đỏ do nhiệt: Cỏ mật cá tươi, chừng 1 nắm (khoảng 20 - 30g), sắc nước uống trong ngày. Rửa sạch, đổ 700ml nước đun nhỏ lửa còn 250ml nước đặc, uống lúc đói bụng, dùng liền 10 ngày.

Bài 5: Chữa thiếu máu, người mệt mỏi, kém ăn (có thể dùng cho sản phụ sau sinh): Cỏ mật cá 10g, sâm đại hành 10g, nghệ vàng 20g. Mật cá rửa sạch cho 800ml nước đun nhỏ lửa còn 200ml; sâm đại hành và nghệ vàng thái nhỏ, sấy khô, tán bột, uống cùng với nước sắc cỏ mật cá. Ngày 1 lần, trước ăn 30 phút, dùng liên tục 7 - 10 ngày.

Bác sĩ Trần Thị Hải

Ngâm chân chữa chứng mất ngủ

Khi lâm vào tình trạng này, thông thường người ta hay sử dụng các thuốc trấn tĩnh, an thần của y học hiện đại. Nhưng, không hiếm khi, các thuốc này cũng tỏ ra bất lực, đó là chưa kể đến những tác dụng không mong muốn mà chúng đem lại. Lúc này, nhiều khi, những biện pháp giàu tính tự nhiên của y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh... lại tỏ ra có vai trò khá hữu hiệu, trong đó không thể không kể đến phương pháp ngâm chân trước ngủ mà Đông y gọi là Dược dục liệu pháp. Có thể dẫn ra một số công thức cụ thể như sau:

Công thức 1: Nước ấm tự nhiên 1 chậu, ngâm cả hai chân trong 20 phút, mỗi ngày 1 - 2 lần nhưng nhất thiết phải có 1 lần trước khi ngủ tối, đúng như cổ nhân đã nói: “Sau ăn 300 bước, trước ngủ một chậu ngâm”. Tùy theo điều kiện thời tiết và tính mẫn cảm của từng người, nhiệt độ nước ngâm vào khoảng từ 38 - 430C.

Nước sắc ngô thù du làm cho hai tạng Tâm và Thận giao hòa giúp cải thiện giấc ngủ sâu.

Nước sắc ngô thù du làm cho hai tạng Tâm và Thận giao hòa giúp cải thiện giấc ngủ sâu.

Công thức 2: Ngô thù du 20g, dấm gạo lượng vừa đủ. Sắc kỹ ngô thù du lấy nước bỏ bã rồi hòa thêm dấm gạo, ngâm cả hai chân trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần trước khi ngủ tối. Theo y học cổ truyền, công thức này có tác dụng làm cho hai tạng Tâm và Thận giao hòa được với nhau, từ đó làm cho giấc ngủ có chất lượng hơn.

Công thức 3: Từ thạch 20g, chích ngũ gia 20g, phục thần 15g, ngũ vị tử 10g. Trước tiên, sắc từ thạch trong 30 phút rồi cho các vị thuốc khác vào sắc tiếp 30 phút nữa là được, bỏ bã lấy nước ngâm chân trong 20 phút, mỗi tối 1 lần kết hợp với việc dùng nước thuốc xoa nhiều lần lên vùng trán và thái dương.

Công thức 4: Từ thạch 20g, sinh long cốt 15g, cúc hoa 15g, hoàng cầm 12g, dạ giao đằng 20g. Tất cả các vị đem sắc lấy nước ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ trong 30 phút. Công thức này rất thích hợp cho những người bị mất ngủ kèm theo đau đầu, hay có cơn bốc hỏa, trong ngực bụng cồn cào, bức bối không yên...

Công thức 5: Đan sâm 20g, bạch truật 15g, hoàng liên 12g, viễn chí 10g, toan táo nhân 15g, trân châu mẫu 10g. Tất cả các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước ngâm chân trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần trước khi ngủ tối.

Thảo quyết minh.

Thảo quyết minh.

Công thức 6: Lạc tiên 20g, lá vông 20g, thảo quyết minh 20g, hồng hoa 15g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước ngâm chân trong 30 phút, trước khi đi ngủ. Cũng có thể dùng dịch thuốc để uống thay nước hàng ngày.

Công thức 7: Toan táo nhân 20g, mẫu lệ 20g, thạch quyết minh 20g, long cốt 20g. Tất cả đem sức lấy nước ngâm chân 30 phút hàng ngày trước khi đi ngủ.

Để làm tăng công dụng tĩnh tâm an thần, trong khi ngâm chân nên kết hợp với thư giãn, toàn thân thả lỏng, thở đều, nhẹ và sâu. Sau đó, có thể dùng các ngón tay day ấn vùng thái dương, miết vùng trán và xoa xát vùng gáy trong vài phút. Đương nhiên, việc điều chỉnh chế độ làm việc và nghỉ ngơi, chủ động điều tiết đời sống tình cảm, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố làm căng thẳng thần kinh... là không thể thiếu được.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Cá khoai

Theo Đông y, cá khoai vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ hư, mát huyết, nhuận tràng, ích ngũ tạng... Ăn rất tốt với người gầy nóng, huyết hư, vị nhiệt miệng khô khát, táo bón, ho khan, đái tháo đường... Sau đây là một số món ăn thuốc từ cá khoai:

Canh cá khoai nấu rau cải cúc: cá khoai, cải cúc, gừng, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ phế, nhuận táo, chỉ khái… Chữa phế nhiệt ho khan, viêm.

Lẩu cá khoai tốt cho người mệt mỏi đau đầu, chóng mặt.

Lẩu cá khoai tốt cho người mệt mỏi đau đầu, chóng mặt.

Cá khoai nấu rau cần: cá khoai, cà chua, rau cần ta, thì là, mùi tàu gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, mát huyết, dưỡng tỳ vị… Chữa chứng nội nhiệt khó lên cân, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp, ho khan, đại tiểu tiện không thông.

Lẩu cá khoai: cá khoai, xương lợn, giá đậu, dứa, cà chua, ớt, đậu phụ, ớt, gia vị vừa đủ nấu lẩu ăn. Rau ăn lẩu là cải cúc, rau muống. Công dụng: bổ hư, mát huyết, sinh tân… Chữa đái tháo đường, sắc mặt hình thể khô khan, người mệt mỏi, đau đầu chóng mặt.

Canh chua cá khoai: cá khoai, dứa, cà chua, dọc mùng, giá đậu, rau ngổ, hành lá, ớt, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: bổ huyết, thanh nhiệt, hạ khí... Trị táo bón, tiểu vàng ít, đau đầu chóng mặt, tăng huyết áp và các chứng liên quan nóng nhiệt.

Cháo cá khoai: cá khoai, gạo mới, đậu xanh, hành, ngò mùi, tiêu, mắm muối gia vị vừa đủ. Cá khoai tươi làm sạch cắt khúc, khi cháo chín bỏ cá vào, nêm gia vị ăn nóng. Công dụng: bổ hư, dưỡng tỳ vị, sinh tân… Thích hợp người già ăn kém, mệt mỏi, chứng phù do suy dinh dưỡng, trẻ em còi cọc chậm lớn.

Lương y Phan Thị Thạnh

Món ăn thuốc từ quả thanh long

là món ăn vị thuốc phòng trị bệnh tiểu đường, thống phong, huyết áp, mập phì...

Theo dược tính hiện đại, trong 100g trái thanh long, phần ăn được cung cấp 85 - 87g nước; 1,1g đạm; 0,0g chất béo; 11,2g đường chung; 0,59g tro; nhiều vitamin và chất khoáng: 0,011mg vitamin A; 3mg vitamin C; 2,8mg vitamin PP; 10,2mg canxi; 6,07mg sắt; 27,5mg photpho; 27,2mg kali; 2,9 mg natri; cung cấp 40 - 60 calo. Quả chín thanh long chứa nhiều chất nhầy pectin, chất xơ hoà tan và chất xơ không tan cellulose đều là chất có tác dụng phòng trị bệnh táo bón, béo phì, xơ vữa động mạch, viêm ruột kết... rất hiệu quả. Thanh long còn là trái cây có chứa lượng đường thấp, giàu ma-nhê, nhiều vitamin và khoáng chất, lại ít năng lượng (40 - 60 calo) sinh nhiệt thấp, vậy nên ăn thanh long thường xuyên rất tốt cho người tiểu đường, người mập phì nóng nhiệt, đang cần giảm cân.

Sau đây là một số món ăn bài thuốc dược thiện phòng trị bệnh từ quả thanh long dễ chế biến sử dụng ăn rất ngon phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Chữa táo bón kinh niên: Thanh long 200g, đu đủ chín 50g, thêm sapoche 50g, chuối 50g cắt thành miếng cho vào ly cho thêm đường cát, hoặc sữa cho tủ lạnh ăn ngày 1 - 2 lần.

Chữa tiểu đường: Thanh long 200g, ổi chín 100g, xay sinh tố hoặc ép nước uống ngày vài lần.

Chữa gan nhiễm mỡ, thừa cân béo phì: Thanh long 200g, dứa chín 100g, làm sinh tố hoặc ép nước uống nhiều ngày.

Chữa bệnh thống phong, gút: Thanh long 100g, dưa leo 100g cắt nhỏ cho thêm đường cát ăn hoặc ép nước uống nhiều ngày.

Chữa tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt “do can hoả vượng”: Thanh long 200g, dưa hấu chín 100g cắt lát, dâu tây 50g xắt lát, làm sinh tố hoặc ép nước uống ngày 1 - 2 lần.

Chữa viêm đại tràng rối loạn tiêu hoá: Thanh long 100g thái thành miếng. Yaourt 1 hũ cho vào ly trộn thêm ít đá ăn ngày vài lần.

Chữa ho khan (viêm phế quản): Hoa thanh long tươi 4 - 5 cái tươi nấu canh với thịt heo hoặc sắc uống.

Lưu ý: thanh long có vị chua tính mát nên người tỳ vị hư hàn, đang đi cầu phân lỏng, đầy bụng, dùng hạn chế hoặc không nên dùng.

Lương y: Phan Thị Thạnh

Món ngon

Cá mực giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho người thiếu máu, chóng mặt ù tai, di tinh, xuất tinh sớm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, ít sữa...

Theo Đông y, cá mực vị ngọt mặn, tính bình; vào kinh can, thận, tỳ. Có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, kiện tỳ, lợi thủy, chỉ huyết, ôn kinh mạch. Dùng tốt cho người bị phù nề, phong thấp, trĩ lậu, bế kinh thống kinh, huyết trắng, động thai dọa sẩy. Xin giới thiệu một số món ăn thuốc từ cá mực.

Cá mực hầm bí đao, đậu đỏ: Cá mực khô 2 - 3 con, bí đao 500g, đậu đỏ nhỏ hạt 100g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; bí đao gọt bỏ vỏ mỏng và ruột, cho gia vị nhưng không cho muối mắm, hầm chín nhừ, cho ăn liên tục đợt 3 - 5 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm thận cấp, phù nề, cổ trướng xơ gan, ứ tắc sữa.

Cá mực hầm đào nhân: Cá mực khô 1- 2 con, đào nhân 15g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát, thêm gia vị nấu nhừ, ăn liên tục đợt 3 - 5 ngày. Dùng cho các trường hợp bế kinh, thống kinh.

Gà hầm cá mực: Gà mái tơ 1 con, mực 2 con. Gà làm sạch, thái lát lớn, mực khô ngâm mềm, rửa sạch, thái lá; thêm gia vị hầm nhừ. Dùng cho phụ nữ, cơ thể suy nhược, khí hư huyết hư, sản phụ ít sữa tắc sữa.

Mực hầm đương quy: cá mực khô 2-3 con, quy đầu hoặc quy thân 30g. Mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; quy rửa sạch, thái lát mỏng. Nấu nhừ. Dùng cho phụ nữ huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ít.

Canh súp mực thịt lợn: cá mực 2 con, thịt lợn nạc 100g, tôm nõn 100g, củ mài 30g, hạt sen bỏ tâm 30g. Mực làm sạch thái lát, thịt heo thái miếng, tôm nõn ngâm rửa, thêm gia vị và nước; nấu nhừ. Dùng rất tốt cho người mệt mỏi suy nhược, mất ngủ, ngủ mê.

Cá mực hầm đào nhân: cá mực khô 2 con, đào nhân 10g. Mực ngâm mềm làm sạch thái lát, đào nhân bóc vỏ rửa sạch cùng cho trong nồi nhôm, thêm gừng tươi, hành, muối, nước lượng thích hợp, đặt trên bếp đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Cho ăn thường ngày, liên tục một đợt 7-10 ngày. Dùng cho các trường hợp huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt thất thường, lượng ít.

Mực hầm gừng nướng: cá mực tươi khoảng 300g, gừng nướng 6g thái lát, hai thứ cùng cho vào nồi, đổ nước nấu chín, thêm bột gia vị. Ngày ăn 1 lần, liên tục 3-5 ngày. Dùng cho phụ nữ kinh nguyệt kéo dài nhưng ít, cơ thể suy nhược thiếu máu.

Lương y Thảo Nguyên

Rau dền hỗ trợ trị tăng huyết áp

Theo dược tính hiện đại, trong 100g rau dền có 22 Kcal trong đó có 91g nước, 4g protein, 3g glucid, 67mg photpho, 500mg kali, 242mg canxi, 105mg magiê, 0,5mg mangan, 2mg nicotinamid, 45mg vitamin C, lutein, athocyanosid (rau dền đỏ). Rau dền giàu vitamin A, B, C, PP và chứa gần 10 acid amin cùng nhiều dưỡng chất rất có lợi cho sức khỏe.

Rau dền ăn mềm, bổ dưỡng, dễ chế biến sử dụng thích hợp nhiều lứa tuổi. Nó còn là vị thuốc rất quý chữa táo bón, mụn nhọt, huyết áp tim mạch hiệu quả và một số bệnh liên quan đến nóng nhiệt.

Theo y học cổ truyền, rau dền canh có vị ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi đại tiểu tiện, cầm máu, chữa nóng nhiệt, táo bón, kiết lỵ, tiểu buốt gắt, mụn nhọt, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ…

Những người bị bệnh huyết áp nên ăn rau dền.

Những người bị bệnh huyết áp nên ăn rau dền.

Những ai nên ăn rau dền?

Người bị huyết áp, tim mạch nên ăn rau dền, vì rau dền rất giàu kali 500mg, là chất có vai trò cho sự hoạt động bình thường của cơ tim. Rau dền tác dụng thanh nhiệt, mát gan, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp “thể can hỏa vượng”, biểu hiện đau đầu chóng mặt, bốc nóng lên đầu… Ngoài ra, tác dụng lợi tiểu, giảm bớt thể tích máu cũng giúp hạ huyết áp.

Rau dền rất thích hợp với người đái tháo đường, kèm táo bón vì rau dền giàu magiê 105mg, là chất có vai trò chữa trị đái tháo đường, tăng huyết áp, táo bón…

Rau dền rất tốt cho trẻ em còi cọc chậm lớn và người thiếu máu thiếu sắt. Nếu trẻ em thiếu protein sẽ chậm lớn, tầm vóc thấp bé khi trưởng thành. Rau dền chứa nhiều protein, sắt.

Rau dền rất tốt cho người cao tuổi đau nhức do loãng xương, vì rau dền có chứa nhiều canxi, photpho, có vai trò ngăn ngừa loãng xương.

Một số món ăn bài thuốc có rau dền

Chữa đi lỵ táo bón: lá rau dền, lá mơ lông thái nhỏ trộn trứng gà thêm gia vị vừa đủ hấp ăn.

Chữa chứng người nóng nhiệt nổi mụn: rau dền đỏ 200g luộc ăn cả cái lẫn nước.

Hỗ trợ trị tăng huyết áp: rau dền khoảng 250g, trai đồng vài con cho thêm gia vị gừng hành vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần.

Chữa chứng viêm họng ho khan: rau dền 200g, lạc 100g, giã nhỏ nấu canh.

Chữa chảy máu đường tiết niệu, chảy máu đường tiêu hóa do nhiệt: rễ rau dền phối hợp với rễ bí tươi 40-60g hoặc khô 15-20g, sắc uống.

Lương y Minh Phúc